Bí mật số phận 16 tấn vàng của Việt Nam Cộng hoà 1975 (Phần 3)

Phần 3: Cố đấm ăn xôi

   Ngay sáng hôm sau khi ông Thiệu bay đi Đài Loan, tin đồn về việc "ông Thiệu cuỗm 16 tấn vàng tài sản quốc gia" như 1 ngọn lửa nhen nhúm bấy lâu được đổ thêm dầu vào bùng lên vào thời điểm ấy. Các báo cả trong và ngoài nước rầm rộ đưa tin. 1 bản tin của BBC còn tường thuật tới từng chi tiết: ".. có nghe tiếng kim loại lẻng xẻng trong vali" (ám chỉ ông Thiệu đã mang 16 tấn vàng trong ngân hàng quốc gia đi). Lời đồn và cả báo chí đưa tin khiến chính quyền Sài Gòn phải lập tức trấn an dư luận, như tờ Chính Luận ngày 16-4 đã đăng như sau: “Phát ngôn viên chính phủ:“Hoàn toàn là tin thất thiệt, đầy ác ý, cố ý bôi lọ”. Phát ngôn viên nhấn mạnh: “Tình trạng loan tin thất thiệt và cố ý bôi lọ của các hãng thông tấn và báo chí ngoại quốc loan đi không phải mới xảy ra mà đã kéo dài từ lâu”. Thế nhưng lời bác bỏ của Phát ngôn viên dường như chưa đủ lý lẽ thuyết phục, vẫn gây rất nhiều thắc mắc, nghi vấn.


Bạn đọc chưa: Phần1: Miệng lưỡi thế gian
                    Phần 2: Người tính không bằng trời tính
 
   Trong khi dư luận còn bán tín bán nghi thì báo Độc Lập ngày 28-4 đã đăng một bản tin về chuyến ra đi bí mật của ông Nguyễn Văn Thiệu với chi tiết như sau: “Theo tin UPI, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết cựu tổng thống Nguyễn Văn Thiệu và cựu thủ tướng Trần Thiện Khiêm đã đến Đài Bắc bằng phi cơ quân sự Mỹ vào lúc 4 giờ sáng thứ bảy 26-4 với 16 viên chức Việt Nam cộng hòa cùng thân nhân tháp tùng. Tin Reuters ghi nhận liền sau khi đoàn người xuống phi cơ và được đưa vào phòng khách danh dự, một số hàng hơn 10 tấn cũng đã được cất xuống theo”.

   Có quá ít tài liệu trong nước đề cập một cách chính xác và đầy đủ về chuyện này sau năm 1975. Trong một cuốn sách khá nổi tiếng đã được tái bản khá nhiều lần trong hơn 20 năm qua, người ta đọc được một đoạn “có vẻ chắc chắn” như sau: “Thiệu và Khiêm đáp máy bay rời Sài Gòn sang Đài Loan, nơi anh ruột của Thiệu đang còn làm đại sứ (tức ông Nguyễn Văn Kiểu ). Thiệu mang theo năm vali chứa đầy đôla. Trước đó, Thiệu đã mướn một chiếc máy bay chở hành khách cỡ lớn của Mỹ, đưa khỏi VN 17 tấn vàng bạc, châu báu, tài sản quí mà gia đình y đã vơ vét được sau hai nhiệm kỳ làm tổng thống”.

   Còn trên mạng Internet, một “sử gia” nào đó đã cung cấp những thông tin “giật gân” hơn nữa: “đại sứ Mỹ tại Sài Gòn Martin giúp gia đình Thiệu ra đi, nhưng chỉ cho mang theo đồ vật cá nhân nhỏ. Thế là tay cựu tổng thống và bà vợ phải tính đến cách khác. Mai Anh -vợ Thiệu đã xoay xở lấy được 16 tấn vàng ra khỏi ngân hàng quốc gia bằng cách ép dọa thuộc cấp. Bà ta cho chuyển phần lớn số vàng thỏi ấy lên một chiếc máy bay thuê của Hãng hàng không Thụy Sĩ. Nhưng các phi công, sau khi khám phá ra đó là vàng, đã hỏi sứ quán Thụy Sĩ và cuối cùng từ chối không chở nữa. Lý Long Thân (chồng em nuôi vợ Thiệu) nhảy vào cứu nguy. Thân ra lệnh chở vàng bằng tàu Trương Tinh đi Pháp, để sau này Thiệu nhận lại ở đó”.

   Có khá nhiều “dị bản” như thế xung quanh chuyện ra đi và tẩu tán vàng của ông Nguyễn Văn Thiệu năm 1975. Nhưng thực hư ra sao, chúng tôi sẽ tiếp tục phân tích giúp độc giả hiểu rõ.

   Trái với dư luận đồn thổi, Thiệu đã trao quyền tổng thống cho Trần Văn Hương và bay sang Đài Loan nhưng 16 tấn vàng thì vẫn còn nguyên trong ngân hàng quốc gia và những gì Thiệu đã hứa hẹn về việc vận chuyển 16 tấn vàng sang Mỹ thì vẫn còn nguyên, chiếc máy bay vận tải của không quân Mỹ vẫn đậu ở sân bay Tân Sơn Nhất để chờ chuyển đi...

   Tổng thống mới lên nhậm chức là ông Trần Văn Hương thực ra cũng là 1 thân tín của Thiệu, vẫn muốn tiếp tục đưa 16 tấn vàng sang Mỹ nhằm vớt vát tình hình dù nước sôi lửa bỏng lắm rồi, Việt cộng đã tiến sát tới cửa ngõ Sài Gòn. Tuy nhiên như đã đề cập ở phần 1 rất nhiều tướng lĩnh trong chính quyền Sài Gòn thì lại không muốn đưa 16 tấn vàng đó ra khỏi Việt Nam. Khi Thiệu từ chức, họ đã không chịu làm theo ý ông Thiệu nữa. Trong đó có Tiến sĩ kinh tế Nguyễn Văn Hảo, cựu phó thủ tướng đặc trách sản xuất kiêm tổng trưởng canh nông và kỹ nghệ thời chính phủ Nguyễn Bá Cẩn, lúc đó là người giữ liên lạc giữa chính quyền Sài Gòn và sứ quán Mỹ, hoàn toàn không muốn chuyển 16 tấn vàng ra khỏi Việt Nam. Như tin tình báo rằng từ đầu tháng 4 của CIA, "Quân Giải phóng đã liên lạc với Nguyễn Văn Hảo, đề nghị ông tìm cách giữ không để 16 tấn vàng bị đem ra khỏi Việt Nam".

   Trong Hồ sơ mật dinh Độc Lập, tác giả Nguyễn Tiến Hưng viết: Nguyễn Văn Hảo vào gặp tổng thống Trần Văn Hương và dọa rằng: "Nếu tổng thống cho phép chuyển số vàng ấy ra ngoại quốc thì trong trường hợp tướng Minh (tức ông Dương Văn Minh) lên thay, tổng thống sẽ bị lên án là phản quốc!". Ông Hương đồng ý giữ vàng lại.

   Sáng ngày 24 tháng 4 (một ngày trước khi ông Thiệu rời Việt Nam), ông Hảo điện cho cố vấn kinh tế đại sứ quán Mỹ Denny Ellerman, nói rằng: "Tổng thống Trần Văn Hương đã quyết định hoãn vô thời hạn việc chuyển vàng ra khỏi Việt Nam, cho đến khi một chính phủ mới được thành lập."

   Đại sứ Martin bất ngờ trước tin này. Theo hồi ký của Frank Snepp, đại sứ Martin đã yêu cầu máy bay tiếp tục nằm chờ ở Tân Sơn Nhất, đồng thời cố thuyết phục ông Hương hủy bỏ lệnh ấy. Không có kết quả. Thậm chí trong một cuộc họp, ông Hương còn nói: "Cái gì của VN phải để lại VN!". Martin xoay qua tác động ông Nguyễn Văn Hảo nhưng cũng không thành công. "Hảo đã không muốn chuyển vàng đi, có thế thôi. Ông ta đã tưởng tượng là có thể sống chung được với những người cộng sản", Martin sau này kể lại.

   Quả thật lúc ấy đại sứ Mỹ Martin rất điên khi không lấy được 16 tấn vàng chở qua Mỹ. Đến mức, trong cuộc trả lời phỏng vấn TS Nguyễn Tiến Hưng ngày 27-3-1985, Martin thú nhận một điều điên rồ: "Vào lúc chót, tôi có nghĩ đến việc liên lạc với người bạn cũ ở Thái Lan là tư lệnh không quân Dhawee Chulasapaya. Sau đó, kêu gọi thêm một số thủy quân lục chiến Thái Lan bay qua Sài Gòn để giải phóng số vàng, mang nó đi. Nhưng chỉ nghĩ thế thôi… Vàng vẫn còn lại ở đó".

   Ngày 27 tháng 1 năm 1976, cựu đại sứ Martin đã giải trình trước Quốc hội Mỹ về chuyện 16 tấn vàng:

    "...Những sắp xếp tạm thời đã được thực hiện để chuyển số vàng dự trữ của Việt Nam cộng hòa sang Ngân hàng Bank of International Settlement (BIS) ở Basel bên Thụy Sĩ nhằm có thể làm thế chấp cho một khoản vay mua đạn dược tại châu Âu. Khi tin này lộ ra thì không có cách nào chở vàng đi bằng đường hàng không thương mại được nữa.
    "Bởi vậy đã có những sắp xếp tiếp theo để chuyển nó sang tài khoản (của Việt Nam cộng hòa - NV) tại Ngân hàng Dự trữ liên bang ở New York.
    "Chẳng may, đang khi có sự chậm trễ về phía Hoa Kỳ trong việc tìm kiếm nguồn bảo hiểm (cho việc chuyên chở số vàng) thì tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đã ra đi. Ông phó thủ tướng (Nguyễn Văn Hảo) và tổng trưởng tài chính đã không xin được phép của tân tổng thống (Trần Văn Hương) để chuyển số vàng này đi..."

   Vậy 16 tấn vàng khi đó thực chất đang ở đâu?? Theo TS Nguyễn Tiến Hưng, 16 tấn vàng đã được đóng thùng sẵn ở ngân hàng. Còn theo Frank Snepp, "16 tấn vàng nằm trong khoang một chiếc máy bay ở sân bay Tân Sơn Nhất lúc quân của tướng Dũng tràn vào Sài Gòn". Ai là người nói đúng?
 

Comments

Popular posts from this blog

Súng ngắn K54 và những điều chưa biết